Nhà thờ cổ Tam Đảo
am Đảo là một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Ngọn cao nhất có độ cao tuyệt đối là 1.591 m. là một thung lũng hình lòng chảo. Ở đây có một ngọn núi có tên gọi Nhà Thờ, vì sát chân núi nầy có một ngôi nhà thờ bằng đá cổ.
Theo tư liệu, năm 1902, người Pháp khám phá ra thung lũng rộng 253 hecta, trên độ cao 900 mét, một ngày có bốn mùa xinh đẹp tuyệt vời ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nầy. Họ nhanh chóng bắt tay biến Tam Đảo thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất Đông Dương, dành cho các quan chức của họ. Dưới bàn tay của phu phen người bản xứ, tù thường phạm, tù chính trị, qua sự cai quản của Pháp, dần dần Tam Đảo mọc lên 145 tòa biệt thự nguy nga, tráng lệ, sân thể thao, sàn nhảy, hồ bơi, nhà thờ, trên những con đường lượn qua các đồi dốc cao thấp thơ mộng. Đó là quyết tâm của người Pháp biến Tam Đảo mang vẻ đẹp phương Tây lãng mạn, là Đà Lạt xứ Bắc, một “Hòn ngọc Đông Dương”. Tuy nhiên, qua chiến tranh, những công trình thấm đẫm mồ hôi, máu và xác người bản xứ ấy nay đã tiêu vong, một số còn “xác”, chỉ riêng nhà thờ còn tồn tại.
Theo các tài liệu sưu tầm được thì nhà thờ Tam Đảo được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1912, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, bên con đường dẫn lên đỉnh núi Thiên Nhị. Ban đầu, người Pháp chỉ dựng mô hình nhà sàn lợp lá, đến năm 1937 nhà thờ chính thức được xây dựng lại kiên cố bằng đá và tồn tại cho tới ngày nay. Về mặt kiến trúc, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng bằng đá trên một triền đất cao theo mô hình kiến trúc Gothic. Nhà thờ cổ có hai tầng với tầng nền cao 10m. Tầng dưới của tòa nhà rộng rãi, có nhiều lối đi bên cạnh mặt đường lớn, ở hai bên sườn nhà với những bậc đá dẫn lên tầng trên. Lên tầng 2 sẽ có một khoảng sân rộng có thể chứa được 100 người đứng hóng mát hoặc cầu nguyện mỗi khi hoàng hôn về. Bên trong nền tầng hai có một tòa thánh đường rộng 286m2 (dài 26m, rộng 11m) được xây dựng từ năm 1937 để giáo dân xứ Tam Đảo làm lễ cầu kinh, liền đó là gian tháp chuông cao vút đứng chọc trời.
Ngôi thánh đường xây dựng theo kiến trúc kiểu Gothic, nổi trên nền rừng thông do người Pháp trồng, xanh ngắt trên sườn núi Nhà Thờ. Thánh đường im lìm soi bóng xuống thung lũng đầy những biệt thự, nhà nghỉ, hàng quán. Lúc bấy giờ thánh đường có một tu viện nơi khoảng 100 vị ẩn tu.
Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến của cách mạng Việt Nam, nhân dân đã di tản khỏi thị trấn, mọi biệt thự đều bị phá hủy; riêng nhà thờ được Bác Hồ chỉ thị phải giữ nguyên vẹn, không được xâm phạm vào tín ngưỡng của dân... nhờ vậy giữ được một kiến trúc đậm nét văn hóa. Từ năm 1954, chính quyền trưng dụng nhà thờ vào việc công.
Ngày 8-8-2008, nhà thờ được trao trả ban Hành giáo xứ đạo Vĩnh Yên. Và Đức cha giáo phận Bắc Ninh đã cử hành làm phép lại cho nhà thờ, khởi công trùng tu, đặt tên cho nhà thờ là “Nữ vương Hòa bình”. Ngày 02-9-2008, lần đầu tiên nhà thờ cổ Tam Đảo chính thức tổ chức buổi dâng lễ tạ ơn, với hơn 2.000 giáo dân tham dự.
Ngày nay, đứng ở thung lũng Tam Đảo, bất cứ nơi nào cũng nhìn thấy nhà thờ đá, nhất là cái tháp chuông, như một người trầm mặc in hình giữa rừng thông vi vút lá gió trên sườn núi. Nhà thờ có một khoảng sân khá rộng. Khoảng sân nầy một mặt dài theo hông nhà thờ, mặt kia nằm “chon von” phía đường lộ. Để đảm bảo an toàn cho tín hữu, phía đường lộ được xây dựng một vòm cửa bằng đá xanh. Vòm cửa nào cũng có hình bán nguyệt, có mặt bằng để khách ngồi nhìn ngắm thị trấn bên dưới. Thị trấn xinh đẹp mà vòm cửa cũng đẹp xinh - có thể xem là một tác phẩm mỹ thuật làm tôn vẻ đẹp vốn có của nhà thờ.
Với những nét đặc trưng quý hiếm đó, nhà thờ đá cổ là một điểm tham quan lý thú, thu hút bất cứ vị khách nào khi đến nghỉ ngơi Tam Đảo. Đến viếng nhà thờ bất cứ thời điểm nào trong ngày, khách cũng đều thấy vẻ đẹp của nó, mỗi tiết trời một vẻ đẹp khác nhau. Buổi sáng se se lạnh với sương mù lãng đãng vây quanh. Buổi trưa trời hanh heo nhưng gió núi thổi lùa tạo cảm giác dễ chịu. Buổi chiều lâng lâng với mùa thu lãng mạn. Buổi tối sương giăng dầy đặc, lạnh run.
Thật là kỳ diệu! Đặc biệt ai cũng thích thú khi tận tay sờ vào những phiến đá xanh rêu “cổ tích”, được chụp những bức ảnh đẹp kỷ niệm chuyến đi nhiều thơ mộng, lãng mạn ở cái thung lũng diễm tuyệt nầy với ngôi thánh đường cổ kính tuy mang đậm phong cách kiến trúc phương Tây nhưng lại đằm thắm hồn Việt. Vì, nhà thờ đá Tam Đảo có giá trị lịch sử đáng trân trọng. Đây là một trong bốn nhà thờ đá nổi tiếng ở nước ta, là: nhà thờ đá cổ Sa Pa (Lào Cai), nhà thờ đá Nha Trang (Khánh Hòa), nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình).
Ngày nay, du khách đến Tam Đảo tham quan nghỉ mát, dường như không ai không ghé thăm ngôi nhà thờ. Một điều đặc biệt là, dù đứng bất kỳ nơi nào trong thị trấn chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh kiến trúc của nhà thờ. Ở đây, suốt ngày mây bay lững lờ, có lúc từng đám mây sà đậu trên mái ngói nhà thờ. Cũng có lúc mây bao phủ dày đặc, toàn cảnh thị trấn chỉ nhìn thấy được chiếc tháp chuông của nhà thờ còn lại cao vút.
--------------------------------------------------------------------------------------------
Lượt xem: 3794
Trang trước
Lên đầu trang
Các tin khác :